Google
 
WWW This blog

Saturday, April 30, 2005

Casablanca - A review.

Casablanca – The most romantic movie of all time.

Poster


Casablanca – A movie reviewed by Exorcist. All right reserved. Email: tuexorcist@yahoo.com

Rating: 4stars
Thể loại: Drama/Romance/War
Năm sản xuất: 1942, xuất xưởng vào ngày 22/01/1943.
Đạo diễn: Michael Curtiz
Kịch bản: dựa trên vở kịch “Everybody Comes To Rick’s” của Murray Burnett và Joan Allison.
Diễn viên chính: Humphrey Borgart (vai Rick), Ingrid Bergman (Ilsa), Paul Henried (Victor), Claude Rains (Louis) ...
Thời lượng: 105 phút.

***
Khi nhắc đến Casablanca, chắc không phải là quá lời khi tớ nói là một trong những bộ phim được yêu thích nhất trên toàn thế giới. Vào tháng 6 năm 1998, Viện Điện Ảnh Hoa Kỳ (AFI – American Film Institute), đã bình chọn Casablanca là bộ phim đứng thứ hai trong 100 phim hay nhất mọi thời đại, sau Citizen Kane, và vào tháng 6 năm 2002, AFI tổ chức bầu chọn 20 phim lãng mạn nhất mọi thời đại thì Casablanca chiếm vị trí số 1, trên cả Gone With The Wind. Bài review này cũng chỉ là một trong vô vàn các bài viết của những người yêu thích điện ảnh đã từng xem và yêu mến Casablanca. Lần đầu tiên tớ đi xem bộ phim này là ở Fansland, cách đây khoảng 8,9 năm. Và từ đó tới nay, tớ đã xem lại Casablanca không biết bao nhiêu lần, với nhiều đối tượng khác nhau, lục tung Internet để tìm kiếm kịch bản phim, các giai thoại xung quanh nó, rồi kiếm DVD về cất vào bộ sưu tập movies của mình ... tiện đây nhắc luôn những ai có ý định sưu tập phim thì đừng quên Casablanca nhé.

Rick and Sam


Kể từ khi Casablanca ra mắt công chúng vào năm 1943, các lời đồn đại và những huyền thoại xung quanh việc làm bộ phim này được thêu dệt khắp nơi trên nước Mỹ. Một số giai thoại được nhiều người biết tới nhất đó là việc nhà sản xuất Hal B. Wallis’ tẹo nữa đã chọn Ronald Reagan và Ann Shridan vào vai Rick và Ilsa, có tận hai kịch bản phim cho tới trước giờ bấm máy (một kịch bản đã được dựng thành phim, kịch bản còn lại cho Rick và Ilsa hưởng hạnh phúc bên nhau), kịch bản này được viết và cập nhật liên tục trong quá trình quay phim, khiến cho những diễn viên chính cũng chẳng biết đằng nào mà lần nữa. Một ví dụ điển hình là khi Ingrid Bergman hỏi đạo diễn Michael Curtiz là Ilsa yêu ai hơn, giữa Rick và Victor Laszlo, ông đã trả lời: “Hãy diễn như bị giằng xé giữa hai người.”

Mặc dù những nhà bình luận điện ảnh có đưa ra bao nhiêu lời đánh giá nhận xét hấp dẫn, cho dù các giai thoại xung quanh bộ phim vẫn có sức quyến rũ mọi người..., nếu bạn muốn tận hưởng được hết những gì tuyệt vời nhất mà Casablanca có thể mang lại cho bạn, thật là đơn giản, bạn hãy đi xem bộ phim này (nếu bạn chưa được xem). Bạn cần biết chút ít cơ bản về lịch sử thế giới để có thể đánh giá được hết sức mạnh và sự quyến rũ của Casablanca. Bộ phim này là một trong những bộ phim ít ỏi thực hiện được hầu hết các yêu cầu chỉ có ở trong những kiệt tác điện ảnh, đó là: hoà nhập khán giả vào kịch bản phim, các diễn viên thể hiện vai diễn một cách xuất sắc (tớ nghĩ là không thể tách rời Casablanca ra khỏi các diễn viên đã thực hiện bộ phim), và các nút thắt chỉ được gỡ ra khi đến hồi cuối.

Rick, Ilsa and Victor


Không giống như nhiều tác phẩm điện ảnh mà sau này trở thành các tác phẩm kinh điển (khó xem, khó hiểu đối với đại đa số khán giả, như Citizen Kane chẳng hạn), Casablanca đã hấp dẫn người xem ngay từ buổi đầu công chiếu, cho dù các viên chức của hãng Warner Brothers đã trông chờ vào sự thất bại của nó. Bộ phim được đề cử 8 giải Oscar và được trao 3 giải chính là : Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản phim hay nhất và Phim hay nhất. Cho đến nay, việc Humphrey Borgat và Ingrid Bergman không được nhận hai giải Nam, Nữ diễn viên xuất sắc nhất năm 1943 vẫn là một điều ngạc nhiên đến khó hiểu đối với các nhà phê bình cũng như đối với những người đam mê môn nghệ thuật thứ bẩy này. Người ta vẫn còn ngạc nhiên vì Ingrid Bergman thậm chí còn không cả được đề cử cho vai nữ chính xuất sắc nhất trong Casablanca, mà lại được đề cử cho vai Maria trong “For Whom The Bell Tolls”. Tại lễ trao giải, chính nữ diễn viên Jennifer Jones – người thắng cuộc ngày hôm đó, đã nói với Ingrid: “Chị xứng đáng được nhận giải thưởng này hơn tôi”. Trong Casablanca có rất nhiều những đoạn thoại đáng nhớ, tiêu biểu là :“Here’s looking at you, kid” (Nhìn em kìa, cô bé), “Of all the gin joints in all the towns in all the world, she walks into mine”, “Round up the usual suspects” (Sau này có một bộ phim lấy tên là The Usual Suspects, là từ câu nói này mà ra), “Louis, I think this is the beginning of a beautiful friendship”, ... nhưng khoái nhất là đoạn hội thoại giữa Yvonne và Rick : “Where were you last night ?” “That’s so long ago, I don’t remember” – “Will I see you tonight ?” “I never make plans that far ahead”. (Tạm dịch cái đoạn này ra tiếng Việt nhé : “Tối qua anh ở đâu ?” “Lâu quá rồi, tôi không nhớ.” – “Chúng mình gặp nhau tối nay nhé?” “Tôi không bao giờ lập kế hoạch xa như vậy.”) Có thể không nhiều người để ý đến đoạn thoại kia, nhưng chính cái đoạn đó cho tớ thấy rõ nhất cuộc sống của những người đang tị nạn ở Casablanca, ranh giới giữa sống và chết là hết sức mong manh, không thể nào lường được. Một điều khá thú vị và cũng buồn cười mà tớ được biết là sau khi xem Casablanca xong thì có rất nhiều người quả quyết là trong phim ấy có câu “Play it again, Sam. Cái này là do bị tình cảm làm mờ lý trí đây. Nếu chịu khó ngồi xem lại phim mấy lần, và đọc kịch bản toét cả mắt thì chỉ thấy có hai câu hơi hơi giống là : “Play it” với lại “Play As Time Goes By”.
Một điều làm cho Casablanca được nhiều thế hệ khán giả yêu thích đó chính là tính hiện đại của nó. Trong khi một số phim sản xuất vào những năm 30, 40 đã trở nên lỗi thời đối với người xem bây giờ thì Casablanca vẫn giữ được tính hấp dẫn. Các đề tài nói về sự dũng cảm, đức hy sinh và chủ nghĩa anh hùng vẫn được các thế hệ khán giả đón nhận, các đoạn hội thoại đầy thông minh và dí dỏm, các nhân vật trong phim được thể hiện một cách hoàn hảo, tái hiện một cách sống động trong phim cho dù cho đến nay thì đã gần 60 năm trôi qua.

At Rick's Cafe Americain


Như mọi người hầu hết đã biết cốt truyện của phim, diễn ra khoảng 1 năm trước khi phát xít Đức xâm lược nước Pháp. Ilsa (Ingrid Bergman) và chồng của cô, người chiến sĩ đấu tranh cho tự do Victor Laszlo (Paul Henried) chạy trốn đến Quán cà phê “Rick’s Cafe Americain” tại Casablanca. Hai người đang bị bọn phát xít săn lùng ráo riết , họ tới quán cafe này đển ẩn náu. Nhưng chính quyền địa phương, dẫn đầu là đại uý Louis Renaut đã bị phát xít Đức điều khiển, cũng tìm tới nơi và Laszlo cần nhanh chóng kiếm được giấy thông hành để trốn thoát. Sau đó Ilsa biết được rằng quán cafe này là của Rick Blaine (Humphrrey Borgat), người tình đích thực của đời cô. Hai người gặp nhau khi Ilsa yêu cầu Sam (Dooley Wilson) chơi bài “As Time Goes By”, bài hát gợi lại tình yêu của Rick và Ilsa khi còn ở Paris. Khi ánh mắt của họ chạm nhau cũng là lúc bao nhiêu kỷ niệm lãng mạn ở Paris tràn về...

In Paris


Humphrey Borgat và Ingrid Bergman. Bất cứ một ai đã xem Casablanca thì khi nhắc đến bộ phim này chắc hai cái tên này xuất hiện ngay trong đầu. Họ đã thể hiện một vai diễn quá xuất sắc, đồng thời cũng tạo ra một trình độ diễn xuất mà khán giả không thể nào hình dung ra bất cứ ai khác lại có thể đảm nhận được hai vai diễn ấy (chắc mọi người phải bất ngờ lắm khi biết rằng đây không phải là sự lựa chọn số một của các nhà làm phim). Trong sự nghiệp điện ảnh của cả Humphrey Borgat và Ingrid Bergman thì đây là hai đỉnh cao của họ. Humphrey Borgat nhập vai Rick, một anh chàng cay độc giấu trái tim tan vỡ đằng sau vẻ bề ngoài lạnh lùng. Ilsa tới Casablanca khiến trái tim đã tưởng chừng đã nguội lạnh của Rick lại đập trở lại, đoạn mô tả tính cách cá nhân cực kỳ phức tạp này của Rick đã bộc lộ hết khả năng diễn xuất tuyệt vời của Humphrey Borgat. Với Ilsa, Ingrid Bergman cũng đã chói sáng trong phim. Liệu có anh chàng nào trên thế giới này mà không từ bỏ tất cả mọi thứ để chạy trốn cùng nàng ?

In Casablanca


Ít được biết tới hơn là Paul Henried, một diễn viên được hãng Warner Bros thuê. Hầu hết mọi người đều chỉ biết đến Paul Henried như là một người thứ ba trong tam giác tình cảm Rick – Ilsa – Victor, một phần cũng do trình độ diễn xuất của Paul Henried chưa bằng được Humphrey Borgat và Ingrid Bergman, nhưng Paul Henried cũng đã thể hiện vai diễn của mình một cách đáng trân trọng. Ngoài ra còn phải nhắc đến một số gương mặt quen thuộc xuất hiện trong phim : Conrad Veidt vào vai viên thiếu tá phát xít Strasser, Peter Lorre vào vai Urgate và Sydney Greentreet nhập vai Ferrari, ai cũng đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, tớ rất Claude Rains trong phim này,(vai đại uý Louis Renaut), và tớ nghĩ Claude diễn hay không kém Humphrey Borgat và Ingrid Bergman đâu. Đây là một vai diễn chói sáng trong một sự nghiệp điện ảnh không được thành công cho lắm của Claude Rains, tớ thấy thất vọng và khó hiểu khi Claude Rains cũng không được nhận giải Oscar cho Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất (được trao cho Charles Coburn, phim the More The Merrier).

Nhắc đến Casablanca mà quên mất đạo diễn thì quả là thiếu sót. Không phải là do may mắn mà Michael Curtiz có được thành công này. Trong những năm 20 đến những năm 50, ông là một trong những đạo diễn cho ra lò nhiều phim nhất ở Hollywood, khoảng hơn 100 phim trong đó có những phim được xếp vào dạng “kinh điển” như : “Cabin In The Cotton” (1932), The Adventures of Robinhood (1938), Angels With Dirty Faces (1938), Yankee Doodle Dandy (1942), Mildred Pierce (1945)... Ông được các nhà phê bình đặt cho một cái ngoại hiệu khá kêu, đó là : “Hollywood’s Most Prolific, Skilled and Colorful Director”.

Ilsa


Không hiểu sao bây giờ người ta ít làm những phim kiểu như Casablanca, không biết có phải do các kết thúc có chút đắng cay đã lùi về quá khứ cùng các thước phim đen trắng ? Nếu Casablanca được dàn dựng trong thời buổi hiện nay, chắc là Rick và Ilsa có lẽ sẽ cùng trốn thoát trên một chuyến bay sau khi đã trải qua một trận đấu súng ác liệt (he he, nếu đạo diễn là bác Ngô Vũ Sâm thì có khi Rick sẽ là một tay súng cừ khôi, bắn hai tay như một...). Sẽ không có tình bạn đẹp giữa Louis và Rick. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra với Victor Laszlo nhưng chắc là anh sẽ không có được Ilsa. Chính cái kết thúc không có hậu này của Casablanca đã làm cho bộ phim trở nên bất tử, bởi vì nó mô tả đúng sự thực những gì diễn ra trong thời điểm đó chứ không phải làm nhiệm vụ thoả mãn cho các khán giả vốn thích các kết thúc có hậu. (Tớ nói ngoài lề một tẹo : khi diễn đoạn này, mọi người có để ý đến vẻ mặt của Ilsa không : Một vẻ mặt thể hiện trạng thái ngập ngừng, bối rối rất thành công. Cơ bản là do kịch bản phim đến đoạn này vẫn chưa xong, vừa diễn vừa viết rồi cập nhật nên Ingrid Bergman trong suốt quá trình đóng phim vẫn không biết là cuối cùng Ilsa sẽ lên máy bay theo Victor hay ở lại với Rick, đâm ra lại khiến Ingrid thể hiện vai Ilsa lúc đó quá là đạt ) Các nhà viết kịch bản phim bây giờ cũng nên suy nghĩ về vấn đề này một chút, trước khi họ viết những kịch bản phim có một cái “happily ever after” ending. Kết thúc có hậu thì dĩ nhiên sẽ làm thoả mãn người xem, nhưng rõ ràng là không đáng nhớ và cách xử lý như vậy dễ dàng hơn nhiều so với việc tìm ra một cách giải quyết hợp lý.

Sau này, một số đạo diễn cũng đã cố gắng làm lại bộ phim này nhưng không ai vượt qua được cái bóng khổng lồ do bộ phim năm 1943 để lại. Gần đây nhất là vào năm 1990, khi Sydney Pollack dựng lại cốt truyện này dưới tên phim “Havana”. Mặc dù dàn diễn viên của phim đó khá là nổi tiếng : Robert Redford và Raul Julia, bối cảnh phim diễn ra cũng đã có sự thay đổi về địa điểm, tuy nhiên đó vẫn chỉ là sự ăn theo, do đó sự thất bại là điều tất yếu. Casablanca sẽ không còn là Casablanca nữa rồi khi không có Humphrey Borgat và Ingrid Bergman.
Khi làm phim Casablanca, chắc chẳng có ai trong đoàn làm phim nghĩ rằng họ đang xây dựng nên một kiệt tác nghệ thuật. Thậm chí họ còn không thuê được một chiếc máy bay thật trong cảnh quay ở phi trường nên đành phải dùng một mô hình bằng bìa cứng có vẽ phi hành đoàn đang chuẩn bị cho máy bay cất cánh. Họ chỉ dám hy vọng vào một thành công nho nhỏ và sự thành công ngoài mong đợi của Casablanca quả là niềm hạnh phúc lớn lao và cũng là một phần thưởng xứng đáng. Càng xem Casablanca ta càng thấy yêu quý bộ phim này. Nó như là một loại rượu vang, càng để lâu càng ngon. Kỹ thuật dựng phim đen trắng không hề bị thời gian làm cho cũ đi như các phim màu, các lời thoại đầy trí tuệ và sắc sảo không hề lạc hậu so với ngày nay. Cho dù tất cả những người ngày xưa ấy bây giờ đã không còn nữa, cho dù bộ phim đã gần tròn 60 tuổi thì người xem vẫn xếp Casablanca là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật điện ảnh. Biết đâu đấy, khi Casablanca tròn 100 tuổi thì vị trí của nó trong danh sách các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất mọi thời đại có khi còn cao hơn bây giờ. A must-see movie. Highly Recommended!
Rewrite, 4h20' PM, GMT + 9:00.
30/04/2005.
First draft was written in 2002,
Images copyright by A.M.P.A.S

***
Recommendation:
1. Roman Holiday (1953) (Audrey Hepburn và Gregory Peck)
2.Sabrina (1954) (Humphrey Borgat, Audrey Hepburn + William Holden)
3. Wuthering Heights (1939) (Laurence Olivier và Merle Oberon)
4. From Here To Eternity (1953) (Burt Lancaster, Deborah Kerr + Frank Sinatra)
5. An affair to remember (1957) (Cary Grant và Deborah Kerr)

0 Comments:

Post a Comment

<< Home