Google
 
WWW This blog

Friday, May 06, 2005

Amadeus - A review.

Amadeus.

Poster


Amadeus – A movie review by Exorcist. All rights reserved. Email: tuexorcist@yahoo.com

Rating: 4stars

Thể loại: Drama/Music
Năm sản xuất: 1984.
Đạo diễn: Milos Forman
Kịch bản: Peter Shaffer, dựa trên vở kịch cùng tên của ông.
Diễn viên chính: Tom Hulce (vai Mozart), F. Murray Abraham (vai Antonio Salieri)
Thời lượng: 160’ (bản cut), 180’ (bản uncut)

***
“Amadeus” có lẽ là một trong những bộ phim hiếm hoi phác hoạ chân dung một nhà soạn nhạc cổ điển. Phim làm về nhạc cổ điển ít hơn so với các dòng nhạc khác, bởi vì nhạc cổ điển phần nào đó đã tự chọn riêng cho mình một tầng lớp khán thính giả rồi. Sự thành công rực rỡ của Amadeus đã chứng tỏ một điều là nếu biết cách làm phim, cốt truyện hấp dẫn thì một đê tài dù có khó đến mấy cũng sẽ được công chúng ghi nhận và đánh giá một cách trung thực nhất. Với Amadeus, có lẽ 8 giải OSCAR dành được vào tháng 3 năm 1985 (trong đó có các giải: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Diễn viên nam chính xuất sắc nhất,... ) chính là những ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực của đoàn làm phim.

Image hosted by Photobucket.com


Khi đạo diễn Milos Forman được mời đến xem vở kịch “Amadeus” của Peter Shaffer, ông đã miễn cưỡng nhận lời, bởi vì ông nghĩ kịch về một nhà soạn nhạc cổ điển thì có gì đáng xem cơ chứ. Tuy nhiên, ngay sau khi xem xong vở kịch, vào chính buổi tối hôm đó thì ông đã quyết định phải chuyển vở kịch này thành một tác phẩm điện ảnh. Ngay lập tức, Milos Forman và Peter Shaffer dành ra bốn tháng để viết lại kịch bản, dành sự tập trung vào Mozart hơn là vào Antonio Salieri. Hai người cũng dành thời gian để tính toán làm sao có thể đưa những bản giao hưởng, những bản opera nổi tiếng của Mozart vào trong bộ phim một cách phù hợp nhất, sự xuất hiện những tác phẩm âm nhạc cổ điển trong phim phải có thứ tự, chứ không đơn thuần chỉ là ngẫu nhiên ... Những công sức bỏ ra của Milos Forman và Peter Shaffer đã được đền đáp xứng đáng: Amadeus thành công ngoài mong đợi, cả về khía cạnh âm nhạc cũng như điện ảnh.

Image hosted by Photobucket.com


Mozart trong phim được khắc hoạ một phần nào dưới cái nhìn của Salieri, một nhà soạn nhạc cung đình cùng thời. Thông qua cách nhìn của Salieri, các nhà làm phim muốn dựng lên một Mozart gần gũi với công chúng hơn là trong sách vở. Một Mozart cực kỳ xuất chúng trong âm nhạc nhưng bình dị và gần gũi trong cuộc sống hàng ngày với những thói hư tật xấu vẫn thấy ở những người bình thường: rượu chè, hám gái, bê tha ..., và có lẽ đây chính là quyết định sáng suốt nhất của đoàn làm phim. “Amadeus” bắt đầu với những ngày cuối đời của Salieri. Lúc này, nhà soạn nhạc cung đình oai hùng ngày nào đã trở thành một lão già lẩn thẩn sắp gần đất xa trời. Salieri tự kết liễu đời mình nhưng không thành, bị tống vào trại tâm thần. Qua những lời xưng tội của Salieri với một vị linh mục trẻ tuổi, câu truyện về nhà soạn nhạc thiên tài của chúng ta dần dần hiện ra.

Image hosted by Photobucket.com



Salieri không phải là một nhà soạn nhạc xuất sắc, nhưng đủ trình độ để hiểu rằng chỉ có Mozart mới thực sự là một thiên tài, là một con thiên nga lộng lẫy khi so với những nhà soạn nhạc cung đình như ông ta chỉ là bầy vịt xấu xí. Cay đắng hơn là Salieri yêu thích âm nhạc vô cùng, cuộc đời của Salieri gần như chỉ phụng sự cho âm nhạc và cho Chúa Trời: không đàn bà, không rượu chè, toàn tâm toàn ý cho âm nhạc, cho nên ông ta cảm thấy thực sự ghen tỵ với Mozart. Mozart có vẻ như được Thượng đế dành cho quá nhiều ưu đãi mà chẳng phải hy sinh gì cả. Và một khi lòng đố kỵ và tính ganh ghét đã làm mờ lý trí, thì bất cứ chuyện gì con người ta đều dám làm cả...

Image hosted by Photobucket.com



Nói đến “Amadeus”, nói đến Mozart, có nghĩa là nói đến âm nhạc. Âm nhạc là một phần không thể tách rời ra khỏi bộ phim. Những bản giao hưởng, opera được lựa chọn để đưa vào trong phim đều có dụng ý riêng của các tác giả. Đối với tớ, ấn tượng nhất có lẽ vẫn là Don Giovanni và Requiem trong phim. Trước khi xem “Amadeus” lần đầu tiên, chưa bao giờ tớ được nghe hai tác phẩm trên cả. Sau khi xem xong “Amadeus” thì cố lùng và nghe bằng được, và rồi mỗi lần xem lại bộ phim thì càng thấy phim hay hơn. Cảnh đáng nhớ nhất phải nói đến đoạn Salieri ngồi chép những nốt nhạc của bản “Cầu hồn” (Requiem), những nốt nhạc đã giết chết Mozart. Dường như mỗi một nốt nhạc được viết ra đều đem theo bao nhiêu tâm huyết cũng như những sinh khí cuối cùng của nhạc sĩ thiên tài.

Image hosted by Photobucket.com


Vai diễn Antonio Salieri của F. Murray Abraham có thể nói đó là mốc son chói sáng cho một sự nghiệp diễn xuất không có gì nổi bật của ông. Với sự thành công cùng “Amadeus”, F. Murray Abraham được ghi nhận bằng giải OSCAR dành cho nam diễn viên chính xuất sắc nhất, và ông chiến thắng chính người bạn diễn của mình, Tom Hulce trong vai Mozart. Một bộ phim hiếm hoi mà 2 nhân vật chính đều được đề cử cho cùng một giải thưởng. Sự thành công này còn có một phần công lao của các nhà làm phim, khi họ quyết định chọn những diễn viên không nổi tiếng thủ vai, để giảm bớt sự chú ý của khán giả vào tiếng tăm của diễn viên, dành sự tập trung ấy cho bộ phim, cho Salieri và cho Mozart.

Image hosted by Photobucket.com


Bối cảnh của Amadeus là thành Vienna những năm cuối thế kỷ 18, tuy nhiên bộ phim lại được bấm máy tại Praha, quê hương của Milos Forman. Đây cũng là quyết định sáng suốt vô cùng, bởi vì Praha là một trong những thành phố hiếm hoi của châu Âu còn giữ nguyên được vẻ cổ kính và những kiến trúc của thế kỷ 18.

Có lẽ sẽ nhiều người băn khoăn: Tại sao không đặt tên phim là “Mozart” , hoặc “Salieri” mà lại là “Amadeus”? Đây cũng là một ý đồ rõ ràng. “Amadeus” trong Wolfgang Amadeus Mozart có nghĩa là “được Đức Chúa yêu mến” – điều này hợp một cách hoàn hảo với cái nhìn của Salieri về Mozart. Chính Chúa Trời đã ban cho Mozart tài năng về âm nhạc chứ không chọn ông ta. Sát hại được Mozart có nghĩa là Salieri dám chống lại quyền lực tối cao ấy, dám chống lại Chúa.

Image hosted by Photobucket.com


“Amadeus” thực sự là một bộ phim cần phải xem đối với những người yêu thích điện ảnh. Có thể trong lần xem đầu tiên, bạn sẽ cảm thấy ngợp trước sự hoành tráng và đồ sộ của nó, nhưng một khi bạn đã hiểu được “Amadeus”, và nhất là khi bạn có một chút kiến thức về nhạc cổ điển, hẳn đây là một bộ phim không thể nào quên. A must – see movie! Highly recommended!

11h50’ PM, GMT + 9:00
06/05/2005.

0 Comments:

Post a Comment

<< Home