Google
 
WWW This blog

Saturday, June 04, 2005

Ferris Bueller's Day Off - A Review.

Ferris Bueller’s Day Off – A review.

To whom it may concern.

Ferris Poster


"Life moves pretty fast. If you don't stop and look around once in awhile, you could miss it."

Ferris Bueller’s Day Off – a movie review by Exorcist. All rights reserved. Email: tuexorcist@yahoo.com

Rating:

Thể loại: Comedy.
Năm sản xuất: 1986.
Đạo diễn: John Hughes.
Kịch bản: John Hughes.
Các diễn viên chính: Matthew Broderick (vai Ferris), Mia Sara (vai Sloanne), Alan Ruck (vai Cameron), Jefferey Jones (vai Ed Rooney).
Thời lượng: 99 phút.

***

Thực ra về bộ phim này tớ đã một lần viết review rồi, nhưng xem lại cái review ấy thì thấy chán khủng khiếp, chắc là do những ngày mới đầu tập toẹ viết review phim nên còn non tay :D. Hơn nữa, tớ muốn viết lại nó, phần nào để tặng cho em. Em dạo này rất bận rộn, nhiều khi bận đến nỗi không có cả thời gian để mà vui mà buồn nữa. Vẫn biết rằng công việc và sự nghiệp là rất quan trọng, nhưng em ạ, đôi khi mình phải gác mọi thứ lại để tận hưởng cuộc sống cái đã. Hơn nữa, tớ muốn em cũng như mọi người, sẽ có những giây phút cực kỳ sảng khoái qua bộ phim này, một trong những bộ phim hài dành cho lứa tuổi học trò của Mỹ hay nhất mà tớ đã từng được xem, để rồi nếu có nỗi buồn nào thì cũng sẽ rời bỏ em mà đi. "Life moves pretty fast. If you don't stop and look around once in awhile, you could miss it."

This is Ferris

“Ferris Bueller’s Day Off” từ cho lúc ra đời đến nay đã gần hai thập kỷ, nhưng có lẽ sự hấp dẫn, tính hài hước và châm ngôn của bộ phim sẽ vẫn còn được nhiều thế hệ khán giả nhớ đến. Những lời thoại trong phim, những tuyên ngôn của Ferris về cuộc sống phần nào phản ánh tư tưởng của thanh thiếu niên Mỹ những năm 80. Có những thứ mà chúng ta không thể học được thông qua bất cứ một bài giảng nào, nó đòi hỏi sự trải nghiệm với chính cuộc sống. Vào những ngày trời xanh và gió lộng, cảnh vật như mời mọc con người ta hãy thử tận hưởng cuộc sống đầy hấp dẫn ngoài kia, thì tội gì không thử một lần bỏ tất cả công việc lại đằng sau, cùng với những người thân yêu hưởng thụ sự sung sướng đó.

Ferris and Sloanne

Ferris and Cameron

Cốt truyện của “Ferris Bueller’s Day Off” được xây dựng xung quanh hai nhân vật chính là Ferris Bueller cùng với ngài giám thị khó tính Edward Rooney. Ferris – một mô típ tiêu biểu của những cậu học sinh nghịch ngợm, chuyên bày trò nhưng chưa một lần bị tóm cổ. Ferris là mẫu học sinh được mọi người yêu mến và bị giám thị ghét. Edward Rooney được xây dựng theo mẫu trái ngược đó: hà khắc, xoi mói, ti tiện ... nói chung là một mẫu hoàn hảo cho nhân vật phản diện trong phim, một mẫu người mà tất cả học sinh đều cảm thấy thích thú khi Edward Rooney bị Ferris chơi khăm. Vào một ngày đẹp trời, Ferris (Matthew Broderick đóng) quyết định trốn học, cho dù đây đã là lần bỏ học thứ 9 trong năm, và nó có thể khiến cậu bị lưu ban. Không những thế, Ferris còn lôi thêm cậu bạn thân nhất của mình là Cameron Frye (Alan Ruck đóng) và cô bạn gái Sloanne Peterson vào cuộc. Những chứng cớ mà Ferris tạo ra qua mặt được cả gia đình cũng như nhà trường, ngay cả khi ngài giám thị Edward Rooney (Jefferey Jones đóng) có nghi ngờ thì lúc nào cũng chậm chân hơn Ferris cùng đồng bọn một bước. Trong khi Ferris cùng với Cameron và Sloanne vui thú khắp thành phố Chicago thì Edward Rooney khốn khổ tìm cách vạch mặt cậu. Những cảnh hài hước và thú vị nhất của bộ phim luôn xoay quanh sự thông minh láu lỉnh của Ferris và sự bất hạnh đến khốn khổ của Rooney.

Rooney


Những diễn viên tham gia vào “Ferris Bueller’s Day Off” có lẽ đều hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình. Với Matthew Broderick thì vai Ferris vẫn là vai diễn thành công nhất của anh trong sự nghiệp diễn xuất không lấy gì làm nổi bật, cho dù khi đóng Ferris Bueller, Matthew mới có 16 tuổi. Ferris được Matthew thể hiện rõ ràng là một chàng thanh niên láu lỉnh đáng yêu, luôn có khả năng thích ứng với mọi tình huống xảy ra và không dễ đầu hàng. Với Jefferey Jones trong vai Ed Rooney cũng vậy. Ngài Ed Rooney khốn khổ sẽ còn đọng lại trong tâm trí nhiều thế hệ khán giả như là một ông giám thị ngu xuẩn, luôn bị Ferris qua mặt, luôn chậm chân trong mọi cuộc săn lùng, nói tóm lại là a real loser. Sloanne, Cameron, Grace, Jeannie, bố mẹ Ferris, tất cả những nhân vật này đều được thể hiện thành công, có những tính cách riêng biệt không thể lẫn ai với ai. Chẳng hạn như với Cameron, người xem sẽ nhớ đến một người bạn tuyệt vời của Ferris, người có khả năng nhại giọng qua điện thoại cực kỳ. Cameron lúc nào cũng cảm thấy phát mệt vì cuộc sống gia đình ngột ngạt, vì ông bố coi trọng những thứ phù phiếm hơn vợ con, nhưng chính nhờ cuộc bỏ học đi chơi với Ferris mà Cameron có được lòng dũng cảm để đối mặt với những sự sợ hãi không tên trong cuộc sống gia đình đó... Còn với đạo diễn John Hughes, Ferris Bueller’s Day Off cùng với “The Breakfast Club” là hai bộ phim thành công nhất mà ông mang lại cho lứa tuổi học trò. John Hughes luôn được biết đến như một đạo diễn tài ba ở thể loại phim hài, nhất là những phim dành cho lứa tuổi teen, như serie “Home Alone” chẳng hạn.

Abe Froman

German Parade

Ferris Bueller’s Day Off là một trong những bộ phim được tớ xem đi xem lại nhiều lần, nhất là vào những lúc cần đến sự thư giãn. Những phim hài kiểu như thế này ngày nay có vẻ ít dần đi, thay vào đó là những thứ củ chuối nặng về giáo dục giới tính dành cho lứa tuổi teenage như “American Pie” hay là nhảm nhí kiểu “Scary Movie”. Nếu như bạn chưa được xem “Ferris Bueller’s Day Off”, có lẽ cần ra cửa hàng băng đĩa gần nhất thử thuê về nhà xem cùng gia đình, hoặc xem cùng bè bạn xem sao. Bộ phim này thích hợp nhất khi xem đông, chắc chắn những tiếng cười sảng khoái sẽ vang lên không ngớt trong suốt thời gian chiếu phim … và cho đến khi phim kết thúc chắc hẳn cũng sẽ có nhiều người phải chép miệng nuối tiếc.

Ừm, còn một điều này nữa. Giả sử hôm nay là một ngày cực kỳ đẹp. Trời xanh, gió lộng, nắng vàng... và các tiết học trên lớp của bạn đều do các “tiến sĩ gây mê” phụ trách hoặc đợi chờ bạn là cả môt ngày tẻ nhạt trên lab, liệu bạn có dám bỏ học mà tận hưởng cái sự sung sướng này cùng với những người thân thiết không nhỉ?

Highly recommended!

23h13’, GMT + 9:00
June 04, 2005.

Wednesday, June 01, 2005

Ca - chiu - sa

Bài hát Cachiusa của nhà thơ Mikhain Ixacôpxki và nhạc sĩ Mátvây Bơlanterơ có được một sức sống lâu bền ở nước Nga. Theo lịch sử, vào cuối thế kỉ thứ 18 ở nước Nga có một ngàng Cachiusa thường đi hát rong bài Sarơman Catơrin (Catơrin tuyệt vời) cùng với cây đàn dương cầm quay tay. Từ đó mà có tên gọi tiếng Nga là Sơramanca, nghĩa là hai từ đầu của bài hát ghép lại thành tên gọi của nhạc cụ. Các ca sĩ hát rong mang dương cầm quay tay đi khắp nơi biểu diễn. Người ta dịch lời bài Sarơman Catơrin sang tiếng Nga và rồi từ đấy chỗ nàp cũng thấy vang lên khúc hát: “Ở chốn làng quê, Cachiusa nổi tiếng là một cô gái xinh đẹp...”

Bài hát trữ tình Cachiusa đã khiến nhiều người phải nghĩ lại và trả về cho cô gái cái tên kỳ diệu. Vlađimia Dakharốp, nhạc sĩ chỉ đạo đoàn ca múa nhân dân Nga mang tên Pianhixki có sáng kiến dùng những bài hát lấy đề tài hiện đại để đổi mới các tiết mục biểu diễn. Trong quá trình tìm kiếm thơ để phổ nhạc, ông đã chú ý đến Mikhain Ixacôpxki. Nhà thơ nhớ lại: “Tôi đưa cho ông ấy bài thơ Chia tay mà tôi đang viết dở và bỏ trên bàn làm việc đã nửa năm rồi. Dakharốp vồ lấy ngay bài thơ này và ... theo đề nghị của ông, tôi đã viết xong hai khổ thơ cuối”.

Thế là nàng Cachiusa đã xuất hiện trong bài thơ Chia tay của Ixacôpxki:

Hãy trao cho tôi cây đàn phong cầm
Đó là những tiếng ca vàng đấy
Chàng trai chia tay cô gái
Sau phút dạo chơi, họ phải trở về nhà

Phải trở về muộn nhất
Cachiusa không vui
Chỉ có đôi chân như còn bùi ngùi
Không muốn quay lại

Cuối bài thơ có dòng chữ đề: năm 1936. Chính nhân vật Côlia – Nhicôlai đã có mặt trong bài hát này. Liệu đây có phải là hình ảnh người lính trong bài Cachiusa đang phục vụ ở biên giới, còn cô gái thì gửi tới chàng lời chào khi nàng đang đứng bên bờ sông dốc cao không? Nhưng lúc này, những nhân vật trong bài hát của Dakharốp vẫn đang sống ở làng quê thân yêu.
Đầu năm 1938, Ixacôpxki viết thêm tám câu đầu bài Cachiusa như sau:

Hoa đào và hoa lê đã nở
Trên sóng nước, làn sương trôi lững lờ
Cachiusa đi ra phía sông
Và dừng lại trên bờ cao dốc đổ

Nàng đứng đó và cất tiếng hát
Về con chim lông xám vùng thảo nguyên
Về một người mà nàng yêu tha thiết
Về những bức thư mà nàng đang giữ đây.

Nhạc sĩ Bơlanterơ đang cần lời cho một bài hát mới bèn yêu cầu thi sĩ viết cho xong bài thơ Cachiusa.Bài hát đã được tân dàn nhạc Quốc gia công diễn ngay trong buổi hoà nhạc đầu tiên dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng V. Cơnưsêvitxki.

Nhà thơ đã chuyển cho nhạc sĩ mấy bản thảo bài thơ Cachiusa hoàn chỉnh. “Tuy vậy, - Ixacôpxki viết, - chính tôi đã chọn một bản mà tôi cho là đạt hơn cả ...”Sau khi bài hát được đài phát thanh truyền đi thì gần như cả nước ai cũng yêu quý Cachiusa. Cachiusa được biết đến và được hát không chỉ ở miền Tây Ucraina mới được giải phóng. Tại miền Tây Bêlarutxia, Hồng quân đã được chào đón bằng bài hát Cachiusa. Thư từ gửi đến Đài phát thanh toàn Liên bang chỉ với dòng địa chỉ ngắn gọn: “Gửi Cachiusa – đài phát thanh Matxcơva”. Không ít người đã chép truyền tay nhau bài Cachiusa, trong đó có rất nhiều học sinh, sinh viên và các chiến sĩ lái mái bay.

Rồi, như chuyện vẫn xảy ra với những bài hát tầm cỡ. Cachiusa bắt đầu được hát ít hơn. Nhà văn A. Glatcôp thậm chí đã ghi lại trong nhật ký: “Mùa xuân năm 1940, các bài hát Hải âu, Masa và Thành phố đáng yêu hết sức phổ biến. Đầu năm 1941, Cachiusa vẫn còn được hát. Thế mà không ngờ bài hát lại bị lãng quên nhanh đến như vậy!”

Khi cuộc chiến tranh Vệ quốc nổ ra đã có hàng trăm, hàng ngàn cô Cachiusa ở lại hậu phương, một lòng chung thuỷ chờ chồng, chờ người yêu đang chiến đấu ở ngoài mặt trận và bằng cách ấy, họ đã sống và chiến thắng. Hàng ngàn Cachiusa đã ra trận. Những bài hát Cachiusa xuất hiện. Trong lời ca cũng như trong thực tế, Cachiusa lúc này là những cô y tá, những nữ chiến sĩ trinh sát, du kích (“Bọn phát xít đã thiêu trụi những vườn đào, rừng lê, triệt hạ tất cả làng quê. Nhưng đêm đêm du kích quân do Cachiusa chỉ huy vẫn hoạt động”). Lời bài hát đã được cải biên cho phù hợp với tình hình lúc đó. Năm 1943, Cachiusa đã trở thành tên một loại súng cối của cận vệ quân. Năm 1944, nhạc sĩ Dakharốp và nhà thơ Ixacôpxki lại sáng tác bài Cachiusa nữa nói về loại vũ khí này.

Trong những năm chiến tranh và thời kỳ đầu hoà bình, Cachiusa đã được cả thế giới cùng hát. Nhà phê bình V. Bakhơtin đã viết trên Báo Văn học: “Cachiusa là bài hát nổi trội nhất trong văn học thành văn và cả trong dân gian. Và không chỉ trong lịch sử nước Nga. Tôi chưa thấy một bài hát trữ tình nào được nhiều người yêu chuộng và hát đắm say đến như vậy.”
Bài hát đã biến cái tên Cachiusa thành huyền thoại. Nay, Cachiusa của Ixacôpxki và Bơlanterơ đã vào tuổi ngoại sáu mươi. Trên bờ dốc cao của con sông Ugra, tỉnh Xmôlenxcơ, nơi chôn rau cắt rốn của Ixacôpxki, bức tượng Cachiusa đã được dựng lên. Dựng tượng cho một bài hát! Có lẽ đây là chuyện hiếm thấy trên hành tinh này. Trong làng Vơxkhôt kề đó, “Bảo tàng về một bài ca” cũng đã được xây cất hoàn chỉnh. Tại đây có trưng bày tất cả những gì có liên quan đến lai lịch của Cachiusa như đĩa hát, sách vở, những bài báo, tạp chí tranh ảnh, hồi ức, thư từ của các chiến sĩ ... Điều lý thú là Bảo tàng này lại nằm trong nhà văn hoá mang tên Ixacôpxki, người đã dùng khoản tiền được giải thưởng Quốc Gia (vì bài Cachiusa và một số bài thơ khác nữa) để xây lại Nhà văn hoá cũ đã bị bọn phát xít thiêu huỷ.

Ngày nay, bài hát Cachiusa gần như trở thành biểu tượng của nước Nga. Hình ảnh Cachiusa của nước Nga với những lời ca trữ tình tuyệt vời về nàng mà mọi người bây giờ vẫn hát luôn nhắc nhở mọi người đừng quên Cachiusa bất tử !!

***

Bài hát Ca - chiu - sa (Katusha) có thể download về máy theo link dưới đây:
http://www.sunbirds.com/items/992431/katusha.mp3